(Xin phép mượn cụ Nguyễn Công Hoan cái tên bài)
Các cụ ta có câu: “Trẻ uống trà, già thể dục” quả không có sai. Mặc dù trà thì nhà trọ anh không có, thậm chí nước lọc cũng lúc có lúc không, nhưng quả thật là anh thích những lần về quê (cái quê mà bây giờ có đến 4 thành phố rồi nhưng anh vẫn hay gọi là về quê ấy) ăn cơm xong uống nước chè đàm đạo chuyện nhân tình thế thái với bố với mẹ. Rằng cái bữa cơm ăn xong thì kiểu gì cũng phải có nước chè xanh bố một cốc mẹ một cốc con một cốc. Xong xuôi phần nước chè xanh thì bố mẹ anh lên sân thượng hóng gió tập thể dục còn anh dính mặt vào màn hình máy tính. Thôi coi như tuổi còn trẻ, sức còn dài, vài chục năm nữa (nếu còn sống) tập cũng chưa muộn…
Mỗi lần đi ra công viên, ngày xưa với người yêu thì anh có thói quen hóng hớt các đôi yêu nhau, bây giờ không có người yêu thì anh có thói quen hóng hớt các cụ tập thể dục. Đơn giản là vì anh thích thế. Và anh nhận ra một điều là thanh niên ra công viên chủ yếu để mà yêu nhau (yêu nhau trong sáng nhé), còn các cụ ông cụ bà và cả các cụ trung niên thì ra công viên tập thể dục. Có người đi bộ, có người đi câu, có người đứng im làm vài động tác vươn thở… Cũng có những người tập trung lại một chỗ rộng rãi rồi bật nhạc sàn lên nhảy !?
Nhân nói đến chuyện tập thể dục theo nhạc, suốt một tuần nay, cứ tối tối, tầm 8h 15 phút, ngay gần nhà anh người ta lại thể hiện cái tinh thần thể dục một cách cao chất ngất. Mở đầu thường là những bài hừng hực khí thế kiểu “Oắc kinh in zơ sun” hay là “Sờ Troong zơ”. Tiếp sau đó khi đã thấm mệt người ta chuyển sang thể loại nhẹ hơn như “Nối vòng tay lớn” hay “Đừng xa em đêm nay khi ba má em đang ngủ say” (không biết tên nó có phải như thế không nhưng anh nhớ hồi cấp 2 có đứa bạn anh hay hát thế). Rồi cuối cùng, khi đêm đã khuya, tinh thần thể dục dường như đã xuống, người ta chuyển sang vài động tác thư giãn với “Chuyện tình Lan và Điệp” hay đôi khi là “Nỗi buồn hoa phượng”… Đại khái là hôm qua anh phải đi ngủ sớm vì trong đầu cứ ong ong đủ các thứ âm nhạc trên trời dưới biển…
Tính anh vốn ham chơi lười học. Nên anh coi cái sự chơi cũng như một cách tập thể dục. Ngày ngày đạp xe hơn 10 cây số thì cũng coi như là thể dục, dắt xe lên 5 tầng lại chẳng quá thể dục, chịu đựng hơn 1 tiếng đồng hồ nhạc thể dục của người khác cũng là một sự thể dục không thể chê vào đâu được. Nên cái sự thích nước chè của anh cũng chẳng có gì đáng phải lo ngại lắm…
Mà bản thân việc người nào ngồi đọc hết cái đống note anh viết bao gồm cả note này cũng coi như là một sự thể dục. Thể dục mắt (bài anh viết vừa dài vừa lắm chữ), thể dục não (anh viết loằng ngoằng khó hiểu và lảm nhảm), thể dục mồm (cười, lẩm bẩm chửi)… Thế nên thanh niên chúng ta cũng đừng nên lo lắng quá cái việc có nên ra ngoài tập thể dục hay không. Sớm muộn gì chẳng đến cái tuổi người ta thích ra ngoài đi bộ tập thể dục… Lúc đấy vừa thừa thời gian, thừa hứng thú (nhắc lại là nếu còn sống đến lúc đấy)
Nói đi cũng phải nói lại, rằng cái sự thể dục ấy nó mênh mông lắm. Nhiều khi tinh thần cũng có đấy, nhưng điều kiện khách quan lại không cho phép. Nào là đi ra công viên xa quá, đường bụi quá, người đông quá, trời lạnh quá, nhà bẩn quá, bụng đói quá… Cả tỉ tỉ cái quá quá khiến người ta trì hoãn mọi việc…
Mà nhân nói đến trì hoạn mọi việc, bỗng dưng anh nghĩ ra một ý triết lý để kết thúc bài viết (vì rằng thì là bài viết nó phải có tính giáo dục hay tính gì gì đó cũng giống như người sống phải có mục đích hay lý tưởng gì gì đó), triết lý đấy đại khái được phát biểu như sau: “Bắt đầu một hoạt động tốt thì rất dễ, nhưng duy trì hoạt động ấy thì rất khó!”. Điều này chứng minh rõ nhất ở việc đi học (đầu năm rất háo hức, được 1 tuần thì chán và đến giờ thì…)
Vậy là anh đã dành ra 30 phút trong ngày để tập thể dục ngón tay và (một chút xíu) thể dục não. Bây giờ thì anh ra ngoài chơi. À không, anh ra ngoài hoạt động thể dục thể thao… Trời nắng đẹp và tinh thần phơi phới...
Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2012
Lạc Rang
P/s: Lạc có nhiều loại lạc: lạc đường, lạc lối, lạc bước… Riêng anh, anh chọn cho mình Lạc Rang :))
Nhận xét
Đăng nhận xét