Chuyển đến nội dung chính

Hành hương về miền đất Phật

“Trăm năm tích đức tu hành
Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu…”

Quê tôi người ta vẫn hay nói về chùa Yên Tử với hai câu thơ như vậy. Người ta cũng nói chùa Yên Tử thiêng lắm, ai đi hội chùa 3 năm liên tiếp thì cầu được ước thấy. Bản thân tôi đi Yên Tử không ít lần, cầu được ước thấy hay không cũng chưa dám khẳng định, song mỗi lần leo lên ngọn núi ấy, dù mệt nhọc đến đâu, cũng thấy lòng thanh thản lạ…

Núi Yên Tử là một ngọn núi thuộc dãy núi Đông Triều  thuộc vùng đông bắc Tổ quốc. Vốn là một thắng cảnh thiên nhiên, ngọn Yên Tử còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử với mệnh danh "đất tổ Phật giáo Việt Nam". Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên ngày trước có tên gọi là Bạch Vân sơn. Về tên gọi Yên Tử, tôi được nghe nhiều câu chuyện khác nhau, nhưng phổ biến nhất là chuyện về một thầy thuốc tên An Kỳ Sinh (hay Yên Kỳ Sinh) tu hành trên núi Bạch Vân, ngày ngày ông hái thuốc chữa bệnh cứu người, khi ông mất hóa thành một pho tượng đá, từ đó mọi người gọi tên núi là Yên Tử. Ngày nay, trên đường lên đỉnh núi, người ta có thể dễ dàng thấy một pho tượng đá lớn hình người, cao hơn 2 mét, gọi là tượng An Kỳ Sinh. Người đi Yên Tử nhiều lần đều biết, khi thấy tượng An Kỳ Sinh tức là đã gần lên đến đỉnh núi, hay nói vui, là đã sắp “đắc đạo”…

Khách thập phương thường về Yên Tử vào mùa lễ hội, kéo dài từ ngày mùng 9 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Trong những ngày lễ hội này (đặc biệt là ngày mùng 9 và mùng 10), núi Yên Tử đều chật kín người từ khắp nơi đổ về. Leo bộ được lên đến đỉnh núi (khoảng 6km với gần 10 ngàn bậc đá) trong tình trạng người chen trước, kẻ đẩy sau, “đắc đạo” hay không chưa biết, nhưng hẳn là chẳng kịp vãn cảnh chùa… Nên nếu đi lễ, đi hội thì đi vào mùa xuân, nhưng để thấy hết cái hay, cái đẹp của Yên Tử thì phải đi vào tầm này trong năm mới hợp.

Mùa hè người người kéo nhau đi biển, ít người nghĩ đến chuyện lên núi, nhưng phải đến khi đặt chân đến Yên Tử người ta mới thấy chuyến hành hương về miền đất Phật này lí thú vô cùng... Khác với mùa lễ hội, Yên Tử mùa này vắng lặng và yên tĩnh hơn hẳn. Dừng xe nơi chân núi, mua một chiếc gậy trúc đi đường, khoác lên vai một ba lô đồ ăn nho nhỏ, cứ thế ta thẳng đường lên “đỉnh Phù Vân”…

Con đường lên núi bắt đầu với một dòng suối nước trong vắt mà đa phần người đi lễ hội vào mùa xuân không thấy được hết cái đẹp của dòng suối ấy. Chuyện kể lại rằng thượng hoàng Trần Nhân Tông cách đây trên 700 năm, một ngày mùa đông đã từ bỏ kinh thành Thăng Long đi về hướng đông để tìm núi tu hành, đến vùng đất Yên Tử thì dừng chân. Theo cùng Trần Nhân Tông có rất nhiều cung tần mĩ nữ, khi đến Yên Tử, do không được vua cho ở cùng nơi đất Phật, nên các cung tần mĩ nữ lâm vào cảnh khó. Để giữ trọn đạo quân thần, các cung tần mĩ nữ đã gieo mình xuống dòng suối nơi chân núi Yên Tử. Nhà vua thương xót  cho lập đền cúng tế và đặt tên dòng suối là suối Giải Oan… Ngày nay, trải qua bao nhiêu thăng trầm của thời gian, dòng suối đã cạn đi nhiều, nhưng nước vẫn trong vắt như những giọt nước mắt giai nhân…

Đi Yên Tử vào mùa hè, ngắm cảnh núi rừng, nghe tiếng chim hót véo von giữa cảnh thiên nhiên vắng lặng mới thấy hết được vẻ đẹp nơi đây. Hai bên đường lên núi rợp bóng cây, tùng, đại, trúc, mai đủ cả. Đi một đoạn lại có vài phiến đá lớn cho khách ngồi nghỉ chân uống nước. Ngồi giữa khung cảnh ấy mà nâng chén rượu, cầm cây bút, có khi chẳng phải nhà thơ cũng nổi hứng văn chương…

Lên một chút nữa, lưng chừng núi có chùa Hoa Yên, vào dịp lễ hội, chùa đông kín người, chen vào bên trong thắp hương cũng khó. Nhưng đi vào mùa này, chỉ cần bước chân vào bên trong chùa, dường như bao nhiêu những lo toan mệt nhọc của cuộc sống đều được đặt ở bên ngoài. Không khí bên trong tĩnh lặng lạ thường. Khách đến thắp một nén hương, cầu mong bình an hạnh phúc, chỉ thế thôi cũng đủ thấy thanh thản trong lòng…

Bên cạnh chùa Hoa Yên khoảng 200 mét là một ngôi chùa nhỏ hơn mà đôi khi khách lên núi thường không để ý. Có một nhà thơ đã viết về ngôi chùa này bằng bốn câu:

Một Mái chùa xưa giữa trần ai
Chênh vênh lưng núi nửa trong ngoài
Hoa bưởi trước chùa đơm trắng xóa
Bạch Vân triền núi một cành mai. 

Chùa Một Mái có tên chữ là Bán Thiên Tự (Chùa giữa lưng trời). Chùa nằm chênh vênh bám vào vách núi, chỉ có một mái nhô ra ngoài. Khi xưa đây gọi là am Ly Trần, cảnh am tĩnh lặng, thanh thoát, cách xa nơi trần tục. Vua Trần Nhân Tông và các môn sinh đệ tử thường đến đây đọc sách soạn kinh. Sau khi vua mất, người đời sau dựng chùa tại đây. Chùa gồm 4 gian nằm ngang, tượng và đồ thờ đều bằng đá trắng. Trong chùa có một ngách hang có mạch nước ngầm nhỏ dẫn từng giọt trên một núm đá suốt quanh năm như dòng sữa mẹ không bao giờ cạn. Nhiều khách thập phương đến đây chỉ mong uống một ly nước, hoặc xin nước về thắp hương gia tiên để lấy phúc.

Nếu leo núi từ 7 giờ sáng, thì lúc lên đến chùa Hoa Yên, chùa Một Mái cũng đã vào khoảng hơn 10 giờ. Trên sân chùa Hoa Yên có nhiều chỗ nghỉ có mái che, khách có thể ngồi nghỉ chân ăn trưa tại đây. Ăn uống nghỉ ngơi xong xuôi lại tiếp tục nửa quãng đường còn lại. Đường từ chùa Hoa Yên lên đỉnh núi có nhiều chỗ khó đi hơn, nhất là đoạn gần đến đỉnh. Đường đi gập gềnh, bậc đá lúc có lúc không, nhưng khung cảnh thì vừa nên thơ, vừa hùng vĩ. Trên đỉnh núi Yên Tử đặt một ngôi chùa đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất, rộng 20 mét vuông, nặng 60 tấn. Ngôi chùa nổi tiếng với tên gọi giản dị: chùa Đồng. Chùa Đồng ngày tôi còn bé cũng được đúc bằng đồng nhưng nhỏ hơn bây giờ rất nhiều. Ngày ấy đỉnh núi chưa được xây dựng lại, trên đỉnh chỉ có một dàn chuông nhỏ và một ngôi chùa đúc bằng đồng. Nghe mọi người nói ai thắp nén hương trên chùa Đồng rồi đánh hết cả dàn chuông thì lời cầu khấn sẽ linh nghiệm. Còn với tôi, việc được đứng trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa ngắm cảnh trời mây non nước cũng đủ thỏa mãn cả chuyến đi...

Chùa Đồng khi chưa tôn tạo - Ảnh Holiday Indochina


Sau mỗi lần đi Yên Tử, chẳng biết có “đắc đạo” hay có “thành quả tu” hay không, chỉ thấy bao nhiêu lo toan mệt nhọc của cuộc sống hằng ngày cũng ít nhiều vơi bớt. Dù không ít lần sau chuyến đi là mấy ngày liền chân tay đau mỏi, nhưng cái cảm giác chiến thắng chính mình để dành lấy phần thưởng là sự thanh thản bình lặng nơi cửa Phật thì thật đáng giá vô cùng…

 

Hà Nội , ngày 2 tháng 8 năm 2012

Lạc Rang

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngày cũ đã qua...

Trong khi chờ đợi Phần 2 của "Nơi mùa thu bắt đầu...". Vô tình anh có một cuộc trò chuyện với một nhân vật của Phần 1. Kiểu như "Tâm sự đêm khuya" ấy. Và anh muốn viết 1 cái gì đấy. Dạo này anh thèm được viết như người ta thèm uống nước vậy. Anh viết 1 cách điên loạn và lảm nhảm. Giống như trong 1 thời gian dài những câu chữ ấy bị dồn nén lại và đến bây giờ thì nó cứ thế phun ra một cách hỗn loạn không theo một trật tự nào cả. Đêm nay, hay nói đúng hơn là sáng nay (vì có lẽ mặt trời cũng sắp lên rồi) anh lại viết. À nhưng đừng ai nghĩ rằng anh bị tự kỉ hay tâm thần zở hơi gì mà anh thức khuya thế. Anh hoàn toàn bình thường. Lý do anh viết bài này cũng bình thường như mọi điều bình thường khác trong cuộc sống của anh thôi. Đơn giản là anh ngồi chơi game với mấy thằng bạn anh đến 2h30 sáng, anh đang chuẩn bị tắt máy đi ngủ thì bất ngờ người ấy xuất hiện. Và cũng như vài lần trước đây, 2 người bắt đầu nói chuyện. Những câu chuyện không đầu không cuối, những câu chuyện,...

Ký sự tình yêu - Kỳ 4: Yêu... Không yêu...

Có yêu thì nói rằng yêu Không yêu thì nói một điều cho xong Nhưng mà anh thích lông bông Anh không thèm nói cho lòng (em) tương tư :-" ... Giá mà tình yêu đơn giản như trò chơi bói cánh hoa… Yêu. Không yêu. Yêu. Không yêu. Yêu. Không yêu. Yêu… Nhưng mọi thứ lại không chỉ có hai nửa như thế. Rằng người ta chẳng thể nào mà chia những mối quan hệ ra làm hai: Yêu và không yêu. Hay thậm chí, “yêu” và “không yêu” cũng chẳng phải là điểm đầu và điểm cuối của cái quá trình phát triển tình cảm bình thường. Nếu mọi thứ cứ đi theo đúng lộ trình của nó từ “không yêu” đến “yêu” rồi ngược lại thì chắc các nhà làm phim (đặc biệt là Hàn Xẻng) và các tiểu thuyết gia sẽ chẳng còn gì mà mổ xẻ khai thác, người đọc chúng ta cũng chẳng có nhiều cơ hội mà khóc lóc sụt sùi nức nở cho những câu chuyện tình yêu ngang trái lâm li ướt át đau đớn tuyệt vọng rung động cả đất trời… ... Yêu thương là cảm giác. Mà đã là cảm giác thì chẳng thể nào nắm bắt được. Giữa “yêu” và “không yêu” đôi khi mong manh như bứt m...

Sống có nguyên tắc

"Nếu cứ mãi giữ NGUYÊN ắt một ngày sẽ TẮC"  Anh là một thằng sống có nguyên tắc. Hẳn là nhiều người đọc xong sẽ bật cười mà rằng “Thằng này mà còn gọi là có nguyên tắc thì chắc đến Chí Phèo cũng sống có nguyên tắc được!”. Nhưng sự thật thì anh tự thấy mình sống có nguyên tắc. Và tất nhiên, Chí Phèo, cũng có một phần nào đấy của sự sống có nguyên tắc (thí dụ như nguyên tắc “chỉ rạch mặt ăn vạ khi có đông người” hay nguyên tắc “giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực và cảm tử”). Anh thì không thích giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, và càng không thích rạch mặt ăn vạ (ăn vạ thì có thể chứ rạch mặt thì không). Nhưng anh vẫn là người sống có nguyên tắc.