Định là không viết nhưng rồi lại thấy không yên.
Thế rồi người ta đi qua đời nhau… - Giống như thầy giáo dạy toán cấp 3 của anh thường nói: “Chỉ gặp nhau một lần, rồi xa nhau mãi mãi”. Ấy là thầy nói về những đường thẳng cắt nhau trong hình học, nhưng mỗi lần nhớ đến câu đấy anh lại nghĩ đến những “đường thẳng” vô tình (và vô phúc) cắt nhau trong đời… Nhưng dù thế nào, những đường thẳng ấy cũng gặp nhau, cũng có một điểm chung để gọi là kỷ niệm. Chắc như thế sẽ hay hơn những đường thẳng song song chỉ biết nhìn nhau qua một khoảng cách được xác định bằng đoạn vuông góc chung của 2 đường thẳng đó. Và cứ thế đến vô cùng…
Thế rồi người ta đi qua đời nhau… - Giống như đoàn tàu trong truyện của bác Thạch Lam: mang chút ánh sáng đi qua cái không khí tối tăm ảm đạm buồn chán vô vọng nơi phố huyện nghèo nàn u ám, rồi sau đó lại mang đống ánh sáng ấy đi đâu mất… Dù sao thì như thế cũng có cái hay của nó. Giống như mấy câu thơ anh hay trích dẫn minh họa cho Điều 111 Bộ luật Hình sự, vô tình lại rất đúng trong trường hợp này: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”…
Thế rồi người ta đi qua đời nhau… - Giống như một bài hát cũ:
Mưa nào lên mấy vai, gió nào lên mấy trời
Người đi qua đời tôi đường xưa đầy lá úa
…Em đi qua đời anh không nhớ gì sao em?…
...
Thế rồi người ta đi qua đời nhau…
…*vèo vèo vèo*…
Viết đi viết lại rồi vẫn thấy *vèo vèo vèo* là hợp nhất…
Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2013
Lạc Rang
Nhận xét
Đăng nhận xét